Hạn chế xuất khẩu tự nguyện và thoả thuận về thị trường Hạn chế xuất khẩu tự nguyện

Trước 1995 do GATT cấm sử dụng hạn ngạch nhập khẩu, nên một số nước đã sử dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu "tự nguyện". Hạn chế xuất khẩu tự nguyện là một thoả thuận song phương giữa hai chính phủ. Nước xuất khẩu giới hạn xuất khẩu một số sản phẩm nhất định tới nước nhập khẩu. Nói chung, ngành công nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu tương tự gây áp lực với chính phủ đàm phán về hạn chế xuất khẩu với nước xuất khẩu để giảm bớt áp lực cạnh tranh. Các nhà xuất khẩu bị "bắt buộc" chấp nhận số lượng đó và bị đe doạ nhận được các hành động khắc nghiệt hơn nếu không chấp nhận thoả thuận tự nguyện hạn chế số lượng xuất khẩu. Chính phủ xuất khẩu hoặc chính các nhà xuất khẩu quản lý thoả thuận này. Hạn chế xuất khẩu tình nguyện từng là một công cụ quan trọng hạn chế thương mại và đã được sử dụng khá rộng rãi. Trong khi hạn ngạch được áp dụng chung thì hạn chế xuất khẩu tình nguyện chỉ áp dụng với một số nước xuất khẩu chủ yếu, do đó tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các thành viên và rõ ràng vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc (MFN). Mỗi thành viên không được tìm kiếm, thực hiện hay duy trì bất cứ thoả thuận hạn chế xuất khẩu, thoả thuận về thị trường nào hay bất cứ biện pháp tương tự khác lên phía xuất khẩu hay nhập khẩu. Điều này bao gồm các hành động do một thành viên thực hiện riêng rẽ cũng như các hành động do hai thành viên trở lên thực hiện. - Theo Bộ công thương Việt Nam [1]